Trước đó, bà Giang Huỳnh, Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu Savills TP HCM cho biết có khoảng 40% số lượng dự án chung cư chào bán trên thị trường sơ cấp (chủ đầu tư chào bán lần đầu) có giá bán leo thang giữa đợt dịch lần thứ tư .
Theo bà Giang Huỳnh, có 3 nguyên nhân chính khiến giá nhà chung cư leo thang trong mùa dịch. Một là chi phí phát triển dự án có xu hướng tăng dần theo thời gian. Thứ hai, quỹ đất phát triển nhà ở hạn chế, chi phí đất tăng cao, lãi vay, thời gian cấp phép dự án kéo dài, dẫn đến chi phí đầu vào và phát triển dự án của doanh nghiệp càng tăng.
Nguyên nhân thứ ba là việc thiếu vắng nguồn cung nhà ở mới khiến các dự án đang chào bán có lợi thế cạnh tranh cũng thúc đẩy sự tăng giá cục bộ. Đây là tác động của yếu tố nguồn cung bị thu hẹp do dịch bệnh kéo dài nhưng chưa phản ánh đúng mức về diễn biến cung cầu trên thị trường nhà ở.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng xác nhận dù giá chào bán căn hộ tăng, tỷ lệ hấp thụ nhà ở tại thị trường TP HCM ghi nhận trong kỳ ở mức rất thấp, chỉ đạt 35% do ảnh hưởng của dịch.
Không riêng giá căn hộ leo thang trong mùa dịch, giá nhà phố thậm chí còn tăng cao hơn căn hộ chung cư. Theo báo cáo của công ty Propzy, 18 tháng qua (suốt thời gian dịch bệnh bùng phát 4 đợt) giá nhà phố lẻ vẫn tăng trung bình 12-17% so với cùng kỳ. Tuy giá tăng, thanh khoản thị trường kém kỷ lục.
Trong đợt dịch lần thứ tư, diễn ra từ đầu tháng 5 đến nay, giao dịch nhà phố riêng lẻ trong khu dân cư hiện hữu tại TP HCM ghi nhận mức giảm trung bình 44% so với trước khi đại dịch bùng phát. Đây là giai đoạn thanh khoản nhà phố lao dốc mạnh nhất trong chu kỳ 18 tháng qua kể từ khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam.